Ngộ độc

Uống hóa chất ăn mòn

Theo Gerald F. O’Malley, DO, Grand Strand Regional Medical Center; Rika O’Malley, MD, Albert Einstein Medical Center

Chất ăn mòn (axit mạnh và kiềm mạnh), khi nuốt, gây bỏng các mô đường tiêu hóa trên, đôi khi dẫn đến thủng thực quản hoặc dạ dày. Các triệu chứng có thể bao gồm tăng tiết nước bọt, khó nuốt, và đau ở miệng, ngực, hoặc dạ dày; sự chít hẹp có thể phát triển sau đó. nội soi chẩn đoán có thể được yêu cầu. Điều trị hỗ trợ chống chỉ định rửa dạ dày và dùng than hoạt Thủng đường tiêu hóa cần được điều trị bằng phẫu thuật.

 

Trên toàn thế giới, 80% số ca ngộ độc hóa chất ăn mòn xảy ra ở trẻ nhỏ; đây thường là những vụ tai nạn với một lượng nhỏ và thường lành tính. Ở người lớn, ngộ độc hóa chất ăn mòn thường do tự tử với số lượng lớn và đe doạ đến tính mạng. nguồn hóa chất ăn mòn bao gồm chất rắn và lỏng và chất tẩy rửa nhà vệ sinh. Các sản phẩm công nghiệp thường đậm đặc hơn các sản phẩm gia dụng và do đó thường có tổn thương nặng hơn.

Sinh lý bệnh

Axit gây hoại tử đông; vết loét đóng vảy, hạn chế thêm tổn thương thêm. Axit có xu hướng ảnh hưởng đến dạ dày nhiều hơn thực quản. Chất kiềm nhanh chóng gây hoại tử lỏng; tổn thương không tạo thành vảy, và tổn thương vẫn tiếp tục cho đến khi chất kiềm được trung hòa hoặc pha loãng. Chất kiềm có khuynh hướng ảnh hưởng đến thực quản nhiều hơn dạ dày, nhưng ngộ độc với số lượng lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả hai.

Các hóa chất rắn có xu hướng để lại những hạt dính vào và gây bỏng các mô, hạn chế tổn thương tiếp tục và gây tổn thương tại chỗ. Vì chất lỏng không dính, số lượng lớn hơn có thể dễ dàng uống vào, và tổn thương có thể lan rộng. Chất lỏng cũng có thể hít phải, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên.

Triệu chứng và Dấu hiệu

Các triệu chứng ban đầu của ngộ độc chất ăn mòn bao gồm chảy nước bọt, tăng tiết nước bọt và khó nuốt. Trong những trường hợp nặng, đau, nôn, và đôi khi chảy máu xảy ra ngay lập tức trong miệng, cổ họng, ngực, hoặc bụng. Bỏng đường hô hấp có thể gây ho, thở nhanh, hoặc rít thanh quản

Sưng nề, tấy đỏ có thể nhìn thấy bên trong khoang miệng; tuy nhiên, chất lỏng ăn mòn có thể không gây ra bỏng trong khoang miêng mặc dù có tổn thương nghiêm trọng ở đường tiêu hóa.

Thủng ở thực quản có thể dẫn đến viêm trung thất, đau ngực dữ dội, nhịp tim nhanh, sốt, thở nhanh, và sốc. Thủng dạ dày có thể dẫn đến viêm phúc mạc. thủng thực quản hoặc dạ dày có thể xảy ra trong vòng vài giờ, sau vài tuần hoặc bất kỳ thời điểm nào giữa hai thời gian đấy

Chít hẹp thực quản có thể phát triển trong nhiều tuần, ngay cả khi các triệu chứng ban đầu nhẹ và điều trị đầy đủ.

Chẩn đoán

  • Nội soi

Vì có hay không bỏng trong miệng không cho thấy liệu thực quản và dạ dày có bị tổn thương hay không, thì nội soi một cách tỉ mỉ được chỉ định để kiểm tra sự hiện diện và mức độ nặng của bỏng thực quản và dạ dày khi các triệu chứng hoặc bệnh sử gợi ý đến.

Điều trị

  • Tránh rửa dạ dày
  • Đôi khi pha loãng với nước uống

Điều trị ngộ độc hóa chất ăn mòn chủ yếu là điều trị hỗ trợ. (Chú ýLàm rỗng dạ dày bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày là chống chỉ định vì nó có thể gây tiếp tục tổn thương đường tiêu hóa trên bởi chất ăn mòn. Trung hòa axit bằng chất kiềm (và ngược lại) đều chống chỉ định vì có thể dẫn đến phản ứng tỏa nhiệt trầm trọng thêm. Than hoạt tính là chống chỉ định vì nó có thể thâm nhập vào các mô bị bỏng và cản trở việc đánh giá nội soi và chèn một NGT là chống chỉ định bởi vì nó có thể làm tổn thương thêm vùng mô đã được phủ chất nhầy.)

Những cạm bẫy

  • Không được làm rỗng dạ dày bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày với ngộ độc chất ăn mòn bởi vì nó sẽ gây tiếp tục tổn thương các đường tiêu hóa trên với chất ăn mòn
  • Không cố gắng trung hòa chất axit với chất kiềm (và ngược lại) bởi vì nó sẽ tạo ra nhiệt có thể làm nặng thêm tổn thương các mô

Pha loãng với sữa hoặc nước chỉ hữu ích trong vài phút đầu sau khi uống hóa chất ăn mòn dạng lỏng, nhưng pha loãng chậm hơn có thể hữu ích sau khi ăn một chất ăn mòn dạng rắn. Nên tránh pha loãng nếu bệnh nhân có buồn nôn, nôn, chảy nước bọt, tăng tiết nước bọt, rít thanh quản, hoặc chướng bụng.

Thủng thực quản và dạ dày được điều trị bằng kháng sinh và phẫu thuậtxem Thủng cấp tính đường tiêu hóa ). corticosteroid đường tĩnh mạch và kháng sinh dự phòng không được khuyến cáo. Hẹp thực quản được điều trị bằng đặt ống thông hoặc, nếu thực quản tổn thương nặng hoặc không đáp ứng, phẩu thuật thay thế thực quản bằng 1 đoạn ruột.